VIÊM PHỔI MÙA NÓNG

BỊ VIÊM PHỔI GIỮA MÙA NÓNG

Cụ bà 75 tuổi, bị sa sút trí tuệ nên đã phải nằm một chỗ từ lâu, có triệu chứng ho có đờm, gia đình đã cho dùng thuốc hạ sốt nhưng không đỡ. Sau đó, cụ bà được đưa vào Bệnh viện Lão khoa Trung ương trong tình trạng khó thở, nhiều đờm. Sau khi thực hiện các bước thăm khám, bác sĩ xác định cụ bà bị viêm phổi.

Đáng chú ý, viêm phổi là một trong những mặt bệnh thường gặp của các bệnh nhân đến viện trong giai đoạn này.

Theo BS Thắng- Bệnh Viện Lão Khoa, có nhiều nguyên nhân khiến người cao tuổi mắc viêm phổi tăng cao trong giai đoạn nắng nóng,  trong đó việc nằm điều hòa không đúng cách là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ.

“Mùa hè, việc nằm điều hòa quá lạnh có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi ở người già. Đặc biệt là với những người già suy giảm nhận thức, yếu liệt phải nằm một chỗ không thể tự chủ động điều chỉnh nhiệt độ hay tự đắp chăn. Bên cạnh đó, khả năng cảm nhận của người già cũng đã bị suy giảm nên khó cảm thấy bản thân bị lạnh”, BS Thắng cho hay.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, môi trường phòng điều hòa đóng kín tạo điều kiện cho sự phát triển của các mầm bệnh gây viêm phổi khiến người già dễ bị tấn công hơn.

“Trong môi trường không gian mở, thông thoáng, vi khuẩn dù có sinh sôi phát triển thì mật độ cũng sẽ không cao vì bị gió phát tán ra xung quanh. Do đó, nguy cơ mắc bệnh ở môi trường này thấp hơn hẳn trong phòng điều hòa suốt ngày đóng kín”, BS Thắng phân tích.

Lưu ý sử dụng điều hòa cho người cao tuổi khi trời nắng nóng

– Không nên để nhiệt độ quá thấp. Khuyến cáo chỉ nên để điều hòa ở mức 27 – 29 độ C và sử dụng thêm quạt thông gió. “Có nhiều trường hợp chỉ để 20 – 22 độ C rất dễ gây viêm phổi, viêm phế quản“, BS Huyền nói.

– Chỉ nên bật điều hòa trong khung giờ cao điểm nắng nóng là 10h – 16h. Khi trời đã dịu mát nên tắt điều hòa, để hé cửa và cho quạt thổi nhẹ.

Với người cao tuổi có khả năng đi lại, không nên nằm phòng điều hòa quá lâu. Thỉnh thoảng cần tắt điều hòa và ra ngoài vận động. Người già ít vận động sẽ dẫn đến nhiều vấn đề như: cơ xương khớp, suy tĩnh mạch chân. Nhiều tình trạng bệnh lý cũng sẽ gia tăng khi không vận động.

– Khi từ phòng điều hòa ra bên ngoài cần tắt điều hòa và ngồi một lúc để cơ thể cân bằng nhiệt độ. Ngược lại khi đi ngoài nắng về không nên vào phòng điều hòa mát lạnh ngay, mà cần nghỉ ngơi trước ở phòng đệm để tránh sốc nhiệt.

– Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như: nói khó, yếu liệt tay chân, cầm nắm không vững, buồn nôn, chóng mặt… cần đến bệnh viện sớm nhất có thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *