CHỮA BỆNH CHUỘT RÚT HIỆU QUẢ

CHỮA BỆNH CHUỘT RÚT HIỆU QUẢ

Đông y chữa chuột rút

Chuột rút là hiện tượng co cơ đột ngột, thường xảy ra ở các đầu chi làm người bệnh không cử động được. Chuột rút rất nguy hiểm nếu đột ngột xảy ra ở những người đang lái xe, đang bơi lội, đang làm việc trên giàn giáo… Chứng bệnh này thường gặp ở những người thiếu dinh dưỡng, khí huyết hư suy hoặc khi môi trường sống thay đổi, sức khỏe giảm sút, tuổi cao…

Theo Đông y chuột rút là do thiếu vi lượng, chủ yếu là thiếu canxi, kali, kẽm… và một số loại vitamin khác. Để điều trị, Đông y thường phối hợp các biện pháp như thuốc uống, dược thiện và cả phương pháp bấm huyệt.

 Bài thuốc Đông y chữa chứng chuột rút.

Bài 1: Mẫu lệ (chế) 16g, thổ phục linh 20g, nam tục đoạn 20g, ngải diệp 10g, phòng phong 10g, đương quy 16g, sâm bố chính 16g, cát căn 16g, hoàng kỳ 12g, bạch truật 12g, hoài sơn 16g, liên nhục 16g, cam thảo 10g, xương bồ 12g, trần bì 10g. Sắc uống 2 ngày 1 thang, ngày uống 2 lần sau bữa ăn. Công dụng: lưu thông khí huyết, thư giãn cơ, bổ tỳ dưỡng nhục.

Bài 2: Thủ ô chế 16g, nam tục đoạn 16g, bạch biển đậu 16g, hoàng kỳ 12g, đương quy 16g, phòng sâm 20g, cát căn 16g, râu bắp 12g, câu đằng 16g, thảo quyết minh 16g (sao vàng), hắc táo nhân 16g, mẫu lệ chế 16g, sơn tra 12g, cam thảo 14g, bạch truật 16g, hạt sen 16g. Sắc uống 2 ngày 1 thang, ngày uống 2 lần sau bữa ăn. Công dụng: bổ sung một số vi lượng cho cơ thể, bổ thần kinh kết hợp bổ tỳ, tăng cường dinh dưỡng cho cơ thể.

Món ăn chữa chứng chuột rút

Cháo hến: Hến sông 1,5kg, gạo tẻ 100g, gia vị chanh, ớt. Hến luộc chín, lấy nước và thịt bỏ vỏ. Nước luộc hến cùng gạo nấu thành cháo, thịt hến trộn gia vị. Sau đó phi hành mỡ thơm, cho thịt hến vào cùng gia vị mắm muối xào chín. Chờ khi cháo chín kỹ, cho món xào này vào trộn đều là được, thêm chanh ớt rau thơm ăn nóng. Một tuần dùng từ 3 – 4 lần. Công dụng: thịt hến tính mát, tác dụng bổ âm, cung cấp một số vi lượng cần thiết cho cơ thể, chủ yếu là canxi và kẽm. Tái lập và hoàn thiện quá trình dẫn truyền thần kinh, ổn định chức năng cơ bắp, từ đó có giá trị hữu hiệu việc phòng chống co cơ, chuột rút.

Cháo chân gà + thuốc bắc: Chân gà 3 đôi (6 cái), gạo tẻ 100g, hoàng kỳ, đương quy, phòng sâm mỗi vị 15g, gia vị vừa đủ. Chân gà nướng cho vàng và chín thơm là được. Hoàng kỳ, đương quy, phòng sâm cho vào ấm đổ nước sắc cho sôi kỹ, lọc lấy nước bỏ bã. Gạo, nước thuốc, chân gà hầm cùng với nhau thành cháo cho chín kỹ, nêm gia vị hành hoa ăn nóng. Công dụng: bổ khí huyết, tăng cường sức bền và chức năng hoạt động của cơ bắp, phù hợp cho người sức yếu, cân cơ hay bị rung giật, co cơ, chuột rút, ăn ít, sức lao động giảm sút.

Khi bị chuột rút, ngay lập tức có thể tiến hành bấm huyệt và thực hiện các thủ thuật sau:

Nếu bị chuột rút ở bàn chân trái: Dùng ngón tay cái của bàn tay phải bấm vào giữa cơ dép, các ngón khác của bàn tay là điểm tựa, ngón cái bấm vuông góc vào giữa cơ dép, lúc đầu bấm nhẹ rồi mạnh dần lên, khi tới ngưỡng thì dừng lại, giữ nguyên cường độ như vậy từ 2 – 3 phút, có khi để lâu hơn. Khi thấy triệu chứng đau giảm dần thôi không bấm nữa, dùng hai bàn tay kéo ngược các ngón chân lên phía mu bàn chân, cũng giữ như vậy 2 – 3 phút, khi cơn đau đã hết, dùng bàn tay xoa đều lên vùng cẳng chân và bàn chân, vừa xoa vừa bóp nhẹ một lúc là hết.

Nếu bị chuột rút ở chân bên phải thì cũng tiến hành thao tác như đã làm với chân bên kia.

Nếu bị chuột rút ở bàn tay thì nhanh chóng bấm vào huyệt hợp cốc, sau đó kéo ngược các ngón tay về phía mu bàn tay. Khi làm các động tác này không nên thả ngay mà giữ lại cả mức độ và cường độ khoảng 2 – 3 phút để hiện tượng co cơ không lặp lại được.    

Chứng chuột rút (vọp bẻ), ai cũng mắc phải. Lúc thường hoặc khi ngủ bỗng thức giấc vì cảm thấy đau buốt ở bắp chân, bệnh nhân không di chuyển được; khi sờ bắp chân thấy căng và cứng. Chứng này thường xảy ra ở phụ nữ, ở người cao tuổi cơ thể suy yếu, các chức năng sinh lý suy giảm, sự tuần hoàn bị rối loạn, bị nhiễm lạnh.

Nguyên nhân thường là do các mạch máu bị viêm, sưng, động mạch xơ cứng, tĩnh mạch giãn nở và do chi dưới vận động quá mức, bị chấn thương, thiếu kali. Các vận động viên bơi lội, chạy bộ, đua xe đạp hay bị chuột rút.

Theo Đông y, chữa chuột rút thường dùng Thuốc và xoa bấm huyệt đạt hiệu quả tốt.

Bài Thu*c: “Thược dược cam thảo thang“. Chỉ 2 vị: thược dược 12g, cam thảo 8g. Đổ nước vừa đủ sắc còn 1/3, uống ấm, trước khi ăn 1 giờ, ngày 2 lần sáng và tối. Tác dụng: tư âm hòa dương, hoãn cấp, chỉ thống. Trị chuột rút co thắt bắp chân, đau thần kinh tọa, đau tức ngực, co giật dạ dày, đau các khớp vai, tay chân, viêm gan, đau sỏi mật, sỏi thận, đi tiểu đau buốt, đau bàng quang, đau trĩ, hen phế quản, trẻ con khóc đêm.

Bài này dùng thược dược, tính hàn để dưỡng huyết, liễm âm, nhu can, chỉ thống. Cam thảo vị ngọt, tính ôn để kiện tỳ ích khí, hoãn cấp, chỉ thống, hai vị phối hợp lấy vị chua ngọt để hóa âm, điều hòa can tỳ, nhu can, chỉ thống.

Tác động vào các huyệt: huyết hải, dương lăng tuyền, ủy trung, thừa sơn.

Thao tác do thủ thuật viên hoặc người nhà trợ giúp:

– Điểm huyệt thừa sơn trong 1 – 2 phút cho đến khi có cảm giác căng và tê tại chỗ, lan xuống đến bàn chân. Công năng: Thư cân lạc, lương huyết, điều khí, trị bắp chân co rút.

– Điểm huyệt ủy trung, mỗi huyệt được tác động trong 1 – 2 phút cho đến khi có cảm giác căng và tê tại chỗ, lan xuống đến bàn chân. Công năng: Thư cân, phong lạc, đuổi phong thấp, trị bắp chân co rút.

– Điểm và nhào huyệt huyết hải, tác động khoảng 1 phút. Công năng: điều huyết, thanh huyết, hoà vinh, thanh nhiệt.

– Điểm và nhào huyệt dương lăng tuyền, tác động khoảng 1 phút. Công năng: thư gân, mạnh gân cốt, đuổi phong tà ở chân.

– Đẩy và nhào cẳng chân: Làm mặt sau cẳng chân bị bệnh từ trên xuống dưới trong 5 phút.

   Bệnh nhân tự làm:

Duỗi chân và ngón chân: Nằm ngửa, giơ chân bị bệnh lên để ở tư thế duỗi thẳng, đồng thời co vào phía trong lưng bàn chân.

– Vỗ cơ bắp chân: Ngồi xếp bằng, tiếp sau co chân đau với góc 100 độ, ấn mạnh gót chân, co nhẹ hai bàn tay, dùng mô gốc của 2 bàn tay vỗ mạnh bắp chân bị co rút từ trên xuống trong khoảng 1 – 2 phút.

– Vặn bắp chân: ngồi gác chân bên bị bệnh lên đùi bên lành, dùng hai bàn tay vặn, bóp và nhào các cơ phía sau cẳng chân 5 phút.

Mỗi ngày làm các thủ thuật trên từ 1 – 2 lần. Nếu chứng chuột rút cứ tái phát vào ban đêm, khi đi ngủ nên nằm nghiêng và giữ đừng để bị nhiễm lạnh. Với người cao tuổi, nên đặt 1 túi nước nóng ở cẳng chân khi đi ngủ tối.

Giải thích

– Nhào cơ là một trong những động tác chính trong các loại hình xoa bóp. Nhào cơ làm tăng dinh dưỡng cục bộ, hồi phục mệt mỏi, thả lỏng cơ và điều chỉnh hưng phấn thần kinh.

Kỹ thuật nhào cơ: Bàn tay mở rộng, dạng ngón cái còn 4 ngón kia khép vào với nhau đặt tay lên bộ phận được xoa bóp, dùng 5 ngón tay véo thịt lên, khi véo các ngón tay không được co lại, xong đẩy nhóm cơ véo lên sang bên trái hoặc sang phải, xong đè cơ xuống, 5 ngón tay từ từ duỗi ra như ở tư thế ban đầu xong lại miết tay xuống cơ của bộ phần xoa bóp tiến hành véo cái thứ 2, cứ như vậy tiến hành. Khi véo các ngón tay phải duỗi thẳng và không được rời khỏi da, xoay theo chiều kim đồng hồ (nếu là tay phải); nếu nhào cơ bằng hai tay thì theo hai đường vòng ngược nhau. Động tác nhào cơ thực hiện chậm rãi, uyển chuyển, nhịp nhàng liên tục không có sự nghỉ giữa các động tác, không được vặn và xoay cơ, không tạo cảm giác đau cho người được xoa bóp. Khi nhào cơ không được làm đau xương.

– Bấm (điểm): Dùng ngón tay cái hoặc ngón tay khác bấm lên huyệt vị trên kinh lạc.

– Đẩy: Dùng bàn tay hoặc cả bàn tay, ngón tay di động đi lại trên phần cơ thể bị bệnh.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *